Một số vấn đề xác định, phân chia tài sản chung trong thi hành án dân sự

Đóng góp bởi: thuaphatlaisadec 730 lượt xem Đăng ngày 06/08/2023 Chia sẻ:

Như chúng ta đã biết, để thực hiện được việc áp dụng biện pháp bảo đảm, thực hiện kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án thì việc xác định, phân chia phần quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người phải thi hành án là công việc hết sức quan trọng.

Cơ sở pháp lý được quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, sửa đổi bổ sung năm 2014; Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 và một số luật có liên quan như: Luật đất đai năm 2013, Luật hôn nhân gia đình năm 2014.

  1. Đối với tài sản trong khối tài sản chung:

– Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu, phần quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung: Tại khoản 1 Điều 74 quy định: Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Với quy định trên cho thấy trong trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung thì Chấp hành viên cần phải thực hiện các bước sau:

Chấp hành viên phải thông báo (Mẫu số: D31 –THADS) cho người phải thi hành án và người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất để họ lựa chọn một trong hai phương án sau:

+ Quyền tự thỏa thuận phân chia tài sản chung;

+ Hoặc yêu cầu Tòa án xác định theo thủ tục tố tụng dân sự (người phải, người được thi hành án và người có quyền và nghĩa vụ liên quan thực hiện).
Nếu hết thời gian theo quy định 30 ngày kể từ ngày được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm điều 6 của Luật Thi hành án dân sự và không yêu cầu Tòa án giải quyết và sau khi hết thời gian 15 ngày, mà người được thi hành án cũng không yêu cầu Tòa án xác định thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo luật tố tụng dân sự.
Lưu ý: đối với trường hợp này, Chấp hành viên phải thực hiện theo thủ tục trên, Luật không có phép chấp hành viên tự phân chia và tự xác định phần quyền sở hữu, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, mà bắt buộc chấp hành viên phải yêu cầu Tòa xác định.

– Trường hợp đã xác định được phần quyền sở hữu của các chủ sở hửu chung thì xử lý như sau:

+ Tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án.

+ Tài sản chung không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc sở hữu của họ.

Tuy nhiên trong quá trình bán đấu giá tài sản thì chấp hành viên phải cần lưu ý đến quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014.

  1. Đối với tài sản chung thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ chồng (quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/NĐ-CP):.

Như vậy đối với tài sản chung của vợ chồng thì Luật cho phép Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, kết quả xác định phải thông báo cho vợ, chồng biết. Nếu vợ hoặc chồng không đồng ý việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, Hết thời hạn mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.

Lưu ý: để thực hiện đúng điều này Chấp hành viên cần nắm rõ quy định tại điều 38, 59 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, Tại Điều 38, 59 thì về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng có tính các yếu tố như: hoàn cảnh của gia đình vợ, chồng; công sức đóng góp, tạo lập….

  1. Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình (quy định tại đoạn 2 điểm C khoản 2 Điều 24 Nghị định 62): Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng chung của hộ gia đình thì chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.

Trong trường hợp này đòi hỏi Chấp hành viên phải xác định được số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản. Để xác định được số lượng thành viên của hộ gia đình Chấp hành viên cần căn cứ vào khoản 29 Điều 3 Luật đất đai, với 02 dấu hiệu nhận biết về hộ gia đình sử dụng đất:

– Thành viên hộ gia đình gồm những người có quan hệ, hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luât về hôn nhân và gia đình;

– Đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Trên cơ sở 02 dấu hiệu trên, thì căn cứ để xác định thành viên hộ gia đình đó là “Hộ khẩu” của gia đình.

Trong trường hợp này các thành viên trong hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền cầu tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản.

Như vậy có thể thấy với quy định về việc xác định tài sản chung của vợ chồng; Tài sản cung của hộ gia đình thì Luật cho phép Vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung, nhưng không quy định người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án phân chia như trường hợp xác định phần quyền sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung.

Qua nội dung trên cho thấy pháp luật quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung rất chặt chẽ. Cụ thể cho ba trường hợp:

– Trường hợp tài sản thuộc khối tài sản chung;

– Trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng;

– Trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình.

Tùy từng trường hợp cụ thể chấp hành viên áp dụng cho đúng, cần xác định quyền hạn của Chấp hành viên được Luật cho phép thực hiện, để từ đó đẩy nhanh được tiến độ trong giải quyết vụ việc, nâng cao vị thế, vai trò của người Chấp hành viên.

Chẳng hạn: khi có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên cần: xác định đối tượng phải thi hành án; xác định số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sử dụng đất. trên cơ sở đó Chấp hành viên ban hành thông báo về việc xác định phần sử dụng đất của người phải thi hành án.

Mặc dù hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể cách tính cụ thể để xác định phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình. Nhưng luật cho phép chấp hành viên xác định trên cơ sở số lượng thành viên của hộ gia đình (không phân biệt độ tuổi, giới tính…).

Trên đây là một số ý kiến trao đổi của cá nhân, mong các đồng nghiệp góp ý.

(Nguyễn Thị Thắm- Phòng nghiệp vụ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang)

Chia sẻ bài viết trên:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Đăng ký tư vấn ngay