MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ THỪA PHÁT LẠI THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 08/2020/NĐ-CP

Đóng góp bởi: thuaphatlaisadec 792 lượt xem Đăng ngày 30/08/2020 Chia sẻ:
Ngày 08/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. So với Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có một số quy định mới
  • Ngày 08/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. So với Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có một số quy định mới về Thừa phát lại như sau:

Thứ nhất, quy định mới về tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.Điều 8 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định người có Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề hoặc quyết định công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài đăng ký tập sự hành nghề Thừa phát tại Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự đặt trụ sở. Thời gian đào tạo là 06 tháng, bồi dưỡng là 03 tháng. Người đã hoàn thành tập sự tham dự kiểm tra kết quả tập sự do Bộ Tư pháp tổ chức.
Thứ hai, nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại. So với quy định tại Điều 10 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Điều 6 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định nhiều điểm mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại. Theo đó, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP giới hạn độ tuổi bổ nhiệm Thừa phát lại là“không quá 65 tuổi”; giảm tiêu chuẩn về thời gian công tác pháp luật từ 05 năm xuống còn 03 năm, và quy định cụ thể: “thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật”. Đồng thời, không còn quy định về bổ nhiệm thừa phát lại đối với người đã từng là Thẩm phấn, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên. Ngoài ra, thay vì tiêu chuẩn “có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại” theo Nghị định 61/2009/NĐ-CPNghị định 08/2020/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn“tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại” và “đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề”. Như vậy, so với quy định hiện hành, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP nâng cao hơn tiêu chuẩn của Thừa phát lại.
Thứ ba, quy định mới về trường hợp không được bổ nhiệm,bao gồm:
– Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự.
– Người đã được bổ nhiệm công chứng viên, được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà chưa miễn nhiệm công chứng viên, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá.
– Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc QĐND, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND.
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.
– Người quy định tại khoản 3 Điều này bị bãi nhiệm, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, tước danh hiệu hoặc đưa ra khỏi ngành.

– Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư do vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.
– Người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên, thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.
– Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung trường hợp bị miễn nhiệm.So với quy định hiện hành tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số trường hợp Thừa phát lại bị miễn nhiệm, bao gồm: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự; Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; Không đăng ký và hành nghề Thừa phát lại trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm; Không hành nghề Thừa phát lại liên tục từ 02 năm trở lên (quy định hiện nay là “Không hành nghề Thừa phát lại kể từ ngày được bổ nhiệm từ 6 tháng trở lên, trừ trường hợp có lý do chính đáng”); Hết thời hạn tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại tối đa mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn; Vi phạm nghiêm trọng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hành nghề Thừa phát lại mà còn tiếp tục vi phạm (quy định hiện nay là “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ 2 trong hoạt động hành nghề Thừa phát lại mà còn tiếp tục vi phạm hoặc bị xử lý vi phạm bằng hình thức cảnh cáo trở lên đến lần thứ 2 mà còn tiếp tục vi phạm”); Đang là Thừa phát lại mà kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.

Thứ năm, quy định mới về bổ nhiệm lại. Theo đó, Điều 14 quyđịnh: Người được miễn nhiệm theo nguyện vọng được xem xét bổ nhiệm lại khi có đề nghị. Người bị miễn nhiệm chỉ được xem xét bổ nhiệm lại khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn và lý do miễn nhiệm không còn; trừ trường hợp bị miễn nhiệm do đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích, đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích thì không được bổ nhiệm lại Thừa phát lại.
Người bị miễn nhiệm do không đăng ký và hành nghề trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm hoặc do không hành nghề liên tục từ 02 năm trở lên chỉ được đề nghị bổ nhiệm lại sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày Quyết định miễn nhiệm có hiệu lực.
Thứ sáu, quy định mới về đăng ký hành nghề thừa phát lại.Hiện nay, Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định Bộ Tư pháp cấp thẻ Thừa phát lại. Tuy nhiên, Điều 15 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định Văn phòng Thừa phát lại nộp hồ sơ đăng ký hành nghề và cấp Thẻ cho Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng đặt trụ sở. Sở Tư pháp ghi tên người được đăng ký hành nghề vào Danh sách Thừa phát lại hành nghề tại địa phương và cấp Thẻ Thừa phát lại.
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 24/2/2020./.
Nguồn: http://tuphap.hatinh.gov.vn/

Chia sẻ bài viết trên:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Đăng ký tư vấn ngay