Những lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc liên quan đến thí điểm xử lý nợ xấu

Đóng góp bởi: thuaphatlaisadec 769 lượt xem Đăng ngày 16/07/2023 Chia sẻ:
Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn trong việc xử lý nợ xấu, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ Ba đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn trong việc xử lý nợ xấu, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ Ba đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Khi phát sinh vụ án, vụ việc có liên quan đến việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm, nếu thuộc trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND thì Kiểm sát viên cần lưu ý những vấn đề sau:

1. Xác định pháp luật áp dụng

Xác định rõ nợ xấu được xử lý trong vụ án, vụ việc có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 42 hay không

Nợ xấu được xử lý theo quy định của Nghị quyết số 42/2017 là khoản nợ có các điều kiện sau:

Thứ nhất, về thời gian hình thành: Là khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017 (ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành); là khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực (15/8/2017 – 14/8/2022). Như vậy, đối với khoản nợ hình thành từ ngày 15/8/2017 và sau đó được xác định là nợ xấu thì không áp dụng Nghị quyết này để xử lý.

Thứ hai, về tính chất: Nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết này được xác định theo Phụ lục về xác định nợ xấu (ban hành kèm theo Nghị quyết), gồm: Một là, khoản nợ đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và được xác định theo quy định tại các điều 2, 3, 4 và 5 của Phụ lục (Các điều 2, 3, 4 và 5 của Phụ lục quy định về các hoạt động phát sinh nợ xấu; tiêu chí cụ thể để xác định nợ thuộc nhóm 3, 4, 5 theo phương pháp định lượng và phương pháp định tính; xác định nợ xấu trong trường hợp khách hàng có từ hai khoản nợ trở lên). Hai là, khoản nợ xấu mà tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã mua của TCTD.

Việc xác định nợ xấu tại Nghị quyết này chỉ là cơ sở để xác định phạm vi nợ xấu được áp dụng cho các chính sách tại Nghị quyết, không ảnh hưởng đến việc phân loại nợ tại Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (đã được sửa đổi, bổ sung). Nói cách khác, việc phân loại nợ của TCTD vẫn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-NHNN.

Viện kiểm sát nhân dân có quyền yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC xác nhận bằng văn bản khoản nợ là nợ xấu theo quy định của Nghị quyết này.

2. Xác định nguyên tắc áp dụng pháp luật

Điều 17 Nghị quyết số 42 quy định nguyên tắc áp dụng quy định của Nghị quyết này với quy định của pháp luật hiện hành về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu như sau:

Thứ nhất, việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp Nghị quyết không có quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ hai, trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC thì áp dụng quy định của Nghị quyết này.

Một vấn đề nữa cần lưu ý là thời điểm và thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết, theo đó, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017 và được thực hiện trong thời hạn 05 năm từ ngày có hiệu lực thi hành (Nghị quyết sẽ hết hiệu lực sau ngày 14/8/2022) (Điều 19).

Tuy nhiên, khi Nghị quyết hết hiệu lực thi hành, đối với một số trường hợp cụ thể thì sẽ được xử lý chuyển tiếp như sau (Điều 18):

– Thỏa thuận giữa VAMC với TCTD quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết đã có hiệu lực trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực được tiếp tục thực hiện cho đến khi thực hiện xong thỏa thuận đó;

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được tiếp tục thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết nếu đã thực hiện việc công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 7 của Nghị quyết trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực;

– Tòa án tiếp tục áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 8 của Nghị quyết đối với vụ án đã được thụ lý trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.

3. Kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án

Khi kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án, Kiểm sát viên cần lưu ý:

Thứ nhất, Tòa án phải xem xét giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với 02 loại tranh chấp: Tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm (bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm không?) hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm (bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm không?) của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC (Điều 8).

Thứ hai, nếu các tranh chấp nêu trên đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết thì phải áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết, cụ thể là:

– Trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC có quyền xử lý tài sản bảo đảm. “Hợp đồng bảo đảm” theo Nghị quyết bao gồm cả văn bản khác có ghi nhận thỏa thuận của các bên về vấn đề này (khoản 1 Điều 7). Văn bản thỏa thuận này không nhất thiết phải được lập cùng thời điểm với hợp đồng bảo đảm, mà có thể hình thành sau thời điểm đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng.

– Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;

– Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự giải trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

Như vậy, trong việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo Nghị quyết này mà phát sinh 02 loại tranh chấp nêu trên và có yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa án phải xem xét tranh chấp có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn hay không. Khi xem xét, Tòa án căn cứ vào 03 điều kiện tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết, không căn cứ vào khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) để quyết định việc áp dụng thủ tục rút gọn.

Thứ ba, về thủ tục giải quyết tranh chấp: Trường hợp tranh chấp đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết tại các khoản 3 và 4 Điều 317, các điều 318, 319, 320, 321, 322, 323 và 324 BLTTDS. Việc chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, tại phiên tòa được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 317, khoản 4 Điều 320, khoản 4 Điều 323 BLTTDS. Nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn thực hiện theo quy định của BLTTDS.

4. Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự

Điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền có quyền trả lại vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án. Tuy nhiên, nếu tài sản bảo đảm đó là tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu được xử lý theo quy định của Nghị quyết số 42/2017 thì cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

– Bên nhận bảo đảm là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC phải có văn bản đề nghị hoàn trả.

– Nếu việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng được thực hiện trong giai đoạn điều tra, xét xử vụ án hình sự thì Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát chặt chẽ điều kiện, thẩm quyền và thủ tục hoàn trả. Nếu việc hoàn trả hoặc không hoàn trả không có căn cứ, không đúng quy định thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị.

– Nếu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC có văn bản đề nghị hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong giai đoạn truy tố thì Kiểm sát viên cần thực hiện các hoạt động sau:

+ Xác định chính xác tài sản được đề nghị hoàn trả là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này;

+ Xác định chính xác người có văn bản đề nghị hoàn trả là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc VAMC là bên nhận bảo đảm bằng tài sản đó;

+ Xác định tài sản bảo đảm có phải là vật chứng không?. Nếu không phải là vật chứng thì hoàn trả theo quy định của pháp luật. Nếu là vật chứng thì phải xem xét việc hoàn trả có làm ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án không?

+ Quyết định hoàn trả hoặc không hoàn trả vật chứng.

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC đã đề nghị hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng ở giai đoạn tố tụng trước mà chưa được đáp ứng thì có quyền tiếp tục đề nghị ở giai đoạn tố tụng tiếp theo.

5. Kiểm sát thi hành án dân sự liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu

Khi kiểm sát thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Kiểm sát viên cần đặc biệt chú ý các quy định sau:

Một là, về quyền thu giữ tài sản bảo đảm (Điều 7): Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 42/2017, TCTD không được quyền thu giữ đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật. Do đó, trong trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự đang kê biên tài sản bảo đảm hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thì TCTD không được quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Đối với trường hợp đương sự có thỏa thuận về việc tự tổ chức thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự căn cứ các quy định pháp luật về thi hành án dân sự để thực hiện (ví dụ: Các đương sự thỏa thuận với nhau về việc yêu cầu cơ quan thi hành án đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án dân sự áp dụng điểm c khoản 1 Điều 50 Luật thi hành án dân sự để đình chỉ việc thi hành án nếu thỏa thuận đó không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba)1.

Hai là, về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản (Điều 10): Theo điểm b khoản 1 Điều 49 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014, dự án bất động sản chỉ được chuyển nhượng khi dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt. Thêm nữa, theo khoản 2 Điều 49, điều kiện chuyển nhượng bất động sản là chủ đầu tư chuyển nhượng phải có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.

Hiện tại, có rất nhiều khoản nợ xấu đã bán cho VAMC có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản hoặc tài sản hình thành trong tương lai là các dự án bất động sản không có đủ điều kiện chuyển nhượng nêu trên, nên đã cản trở quyền xử lý tài sản bảo đảm hợp pháp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC.

Để khắc phục vướng mắc nêu trên, Nghị quyết đã cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: (1) Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; (2) Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (3) Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất đã được Tòa án có thẩm quyền thụ lý; không đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (4) Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan (bao gồm cả người mua nhà tại dự án nhà ở), Nghị quyết quy định bên nhận chuyển nhượng dự án phải: (1) Đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; (2) Kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng.

Ba là, kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án (Điều 11): Điều 90 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) cho phép Chấp hành viên kê biên cả tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án đang thế chấp/cầm cố tại TCTD. Quy định này ảnh hưởng lớn đến quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, làm gia tăng nợ xấu, đặc biệt trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ vốn vay hoặc là nguồn thu nhập chính để trả nợ. Tuy nhiên, khác với Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Nghị quyết số 42/2017 quy định tài sản bảo đảm của người phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 Luật thi hành án dân sự, trừ 02 trường hợp: (1) Thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ; (2) Có sự đồng ý bằng văn bản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC. Đây là hai trường hợp riêng biệt, khi kê biên tài sản bảo đảm của người phải thi hành án để thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ thì không cần có sự đồng ý của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC.

Đối với trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện việc kê biên theo quy định tại Điều 90 Luật thi hành án dân sự trước ngày 15/8/2017 thì vẫn tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (2).

Bốn là, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12): Theo quy định của pháp luật (3), số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm phải thanh toán nghĩa vụ thuế trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thực tế phổ biến là nhiều trường hợp số tiền bán tài sản bảo đảm dù đã hoặc chưa thanh toán nghĩa vụ thuế thì cũng không đủ thu hồi nợ cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Do đó, khi kiểm sát việc thi hành án xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 42/2017 thì cần lưu ý số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải được thanh toán theo thứ tự sau: (1) Chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm; (2) Thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC; (3) Đối với các nghĩa vụ khác của người phải thi hành án chỉ được thực hiện thanh toán trong trường hợp khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế. Riêng đối với khoản án phí, cơ quan Thi hành án dân sự tạo điều kiện để các bên đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thỏa thuận nhằm đảm bảo khoản thu nộp ngân sách nhà nước và kết thúc được hồ sơ thi hành án chủ động đối với khoản án phí (4).

Năm là, về chuyển nhượng tài sản bảo đảm (Điều 15): Để khắc phục tình trạng cơ quan thuế yêu cầu bên nhận bảo đảm trích số tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm để thanh toán nghĩa vụ nợ thuế khác của bên bảo đảm thì mới xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi làm thủ tục sang tên tài sản bảo đảm cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng; để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm, Nghị quyết quy định: Bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài./.

1. Điểm 2.2 mục 2 Công văn số 3022/TCTHADS-NV1 năm 2017 của Tổng cục thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp.

2. Điểm 2.3 mục 2 Công văn số 3022/TCTHADS-NV1 năm 2017 của Tổng cục thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp.

3. Các khoản 4, 5 Điều 17 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP và khoản 3 Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013.

4. Điểm 2.4 mục 2 Công văn số 3022/TCTHADS-NV1 năm 2017 của Tổng cục thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp.

(Trích bài viết: “Những vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến việc thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội’ của Tiến sĩ Hoàng Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao; Tạp chí Kiểm sát số 7/2018).

(Theo Kiemsat.vn)

Chia sẻ bài viết trên:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Đăng ký tư vấn ngay