Vì sao lại đặt tên Thừa phát lại nghe khó hiểu quá? Sao không tìm một cái tên nào đó dễ hiểu và dễ nhớ để ít nhất những người dân ít học họ cũng hiểu cơ quan này làm chức năng gì chứ? Nếu như đã có cơ quan Thi hành án rồi thì nhiệm vụ của Thừa phát lại để làm gì?
Ông NGUYỄN ĐỨC CHÍNH, Thứ trưởng Bộ Tư pháp:
Tên gọi “thừa phát lại” là một thuật ngữ có gốc Hán – Việt và có tính lịch sử, nó được tồn tại ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ trước năm 1975. Tên “thừa phát lại” đã đi vào tiềm thức của người dân phía Nam. Nghĩa của nó chỉ một người công lại (một người không phải nhân viên nhà nước nhưng lại mang trong mình quyền lực nhà nước vì người đó được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm). Trong vốn từ ngữ Việt Nam hiện nay, cũng có người đề xuất có tên khác như: thừa hành viên, ở các tỉnh phía Bắc cũng có thời kỳ có các nhân vật “mõ tòa”. Nhưng xét về tổng thể, thừa phát lại không chỉ là thừa hành viên, thừa phát lại cũng không chỉ là mõ tòa.
Thực ra cũng rất chia sẻ với bạn rằng tên “thừa phát lại” đúng là khá lạ, bản thân tôi là người nghiên cứu về chế định này đã nhiều năm, và các nhà khoa học thảo luận trong nhiều hội thảo cũng đề xuất nhiều thuật ngữ khác nhưng cuối cùng đã thống nhất lấy tên gọi thừa phát lại là phù hợp nhất. Tôi cho rằng lúc đầu “thừa phát lại” có thể lạ với một số người, nhưng với những người sống trước năm 1975 ở các tỉnh phía Nam thì không thấy lạ. Tôi lấy ví dụ, những năm 80 của thế kỷ trước, ở các tỉnh phía Bắc nghe từ “cử nhân luật” rất lạ tai, nhưng nay thì từ này rất quen. Tôi hy vọng rằng sau 5, 10 năm nữa, bạn và nhiều người dân sẽ thấy từ này rất thân thuộc.
Về việc đã có thi hành án rồi, sao lại còn có thừa phát lại: đây là một câu hỏi khá hay. Thừa phát lại có chức năng rộng hơn thi hành án, trong đó có chức năng lập vi bằng, giúp cho người dân sử dụng vi bằng đó để chủ động làm chứng cứ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, chỉ với một chức năng này thôi của thừa phát lại, nó đã xác lập được một kênh mới trong việc tạo lập chứng cứ, nó vừa giúp cho người dân vừa làm phong phú nguồn chứng cứ cho tòa án, cho cơ quan nhà nước khi xem xét các vụ việc có tranh chấp. Như thế cũng tăng sự chủ động, giúp cho người dân chủ động bảo vệ quyền lợi của mình. Chỉ riêng ý này đã thể hiện giá trị khá lớn của thừa phát lại.
Giá trị thứ hai của thừa phát lại là thừa phát lại được giao chức năng tống đạt các văn bản của tòa án, đây cũng là tạo sự khác biệt và tạo nên nề nếp, tạo sự tin cậy, xác tín trong việc chuyển các văn bản của tòa án tới đương sự. Hiện nay, việc tống đạt các văn bản của tòa án thường gửi qua bưu điện hoặc trong trường hợp cần thiết là do thư ký tòa án đi tống đạt trực tiếp cho đương sự. Trong khi đó, việc tống đạt các văn bản của tòa tới các đương sự có giá trị và ý nghĩa rất lớn. Nhiều trường hợp, nếu văn bản của tòa án không biết có tới được đương sự hay không gây nên việc phải hoãn xét xử, hoãn phiên tòa. Còn việc giao cho thừa phát lại tống đạt các văn bản của tòa án là thực hiện theo những thủ tục được quy định chặt chẽ, có các biểu mẫu cụ thể và có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp (thư ký nghiệp vụ của thừa phát lại) để đem đến tận nơi cho đương sự. Do vậy, việc giao cho thừa phát lại thực hiện tống đạt các văn bản của tòa tới đương sự vừa tạo lập sự tin cậy, tạo lập nề nếp, có ý nghĩa rất lớn, khác với việc gửi qua bưu điện và đây cũng là ý nghĩa rất lớn của thừa phát lại.
Tại sao cả thi hành án và thừa phát lại đều tổ chức thi hành án? Ý nghĩa chung ở đây là thí điểm xã hội hóa các công việc mà cơ quan nhà nước đang làm, giảm tải gánh nặng các công việc và tài chính của nhà nước. Do vậy, thừa phát lại có một ý nghĩa khác và đó cũng là mục đích tại sao lại cho thí điểm tổ chức thừa phát lại.